Tết năm nay đói ăn, Tiền đâu mà về?
08.01.2021 112 hongthuy95
“Tôi vẫn chưa mua vé xe về Hà Tĩnh. Nghe bảo giá vé năm nay vẫn cao. Cô quê ở đâu? Tết này về chứ? Tôi định ở lại làm kiếm đồng, qua Tết bắt xe rẻ về sau, chứ cơm ngày 3 bữa còn có bữa đói bữa no, lấy tiền đâu mà về hả cô?”

Mất việc, tìm nghề tạm để sống vì “đói” ăn
Vô tình gặp anh D. ở cổng chợ Thủ Dầu Một với cồng kềnh đồ đạc giữa trưa nắng những ngày cuối năm. Hỏi ra mới biết anh đang buộc đồ lên xe để chuyển về nhà cho khách.
“Trước tôi làm công nhân cho một công ty may mặc ở đây nè! Công việc bình thường rất ổn định nên lương hàng tháng sau tăng ca cũng trên dưới 10 triệu. Nhưng từ hồi dịch là đơn hàng giảm hẳn. Tôi không may nằm trong danh sách cắt giảm nhân sự của công ty đợt đầu hồi tháng 4. Thế là mất việc, không thu nhập. Tiền thất nghiệp cũng tiêu dần sau đó. Gia đình 3 miệng ăn với hàng chục chi phí phải trả mỗi tháng buộc tôi phải tìm việc khác để làm tạm, vì giờ có xí nghiệp nào tuyển thêm người nữa đâu…”

Theo đó, công việc nhận chở hàng mà anh D. đang theo làm là ở dạng tự do. Mỗi sáng, cứ tầm 9, 10h là anh chạy đến đỗ xe trước cổng chợ cùng tấm bảng 5 chữ viết vội “Nhận chỡ hàng giá rẽ” (sai chính tả nhỉ). Hễ ai có đồ nặng, đồ to, làm biếng xách, chở mà đứng ngó trước nhìn sau là anh chạy đến hỏi. May mắn, một buổi cũng được 3,4 cuốc, tiền công tùy xa gần và khối lượng hàng chở, trung bình tầm 30-100k/ chuyến bao xăng xe và người ngồi sau. Chiều anh chuyển sang chợ khác hoặc nhận ship đồ ăn cho mấy quán cơm, quán ăn vặt gần đó để kiếm thêm.
“Vợ tôi trước cũng làm chung chỗ nhưng khác dây chuyền. Nó bị cho nghỉ đợt 2. Ở nhà mở quán nước với khoai lang nướng, bánh chuối chiên bán đêm trước khu trọ. Được bữa trời đẹp, đông người ủng hộ thì lãi dăm ba chục. Có hôm đồ còn nguyên. Thế là phải đi năn nỉ anh chị em trong dãy nhà ở người ủng hộ giúp 1,2 thứ để dọn hàng. Cứ thế, tiền kiếm được của 2 vợ chồng cũng đủ đắp tạm khoản này, khoản kia, đợi công ty có đơn hàng ổn định trở lại mà quay về làm”

Được biết, nhiều doanh nghiệp tại Bình Dương nói riêng và trên cả nước chịu tác động xấu bởi Covid-19. Thiếu đơn hàng, thiếu nguyên liệu sản xuất… khiến không ít cơ sở lao đao, buộc phải cắt giảm nhân sự. Dù muốn dù không, hàng chục triệu lao động vẫn phải nghỉ việc vì lý do khách quan, chính đáng. “Tôi và vợ đều đã 43 tuổi, cái tuổi chưa phải già nhưng cũng chẳng còn trẻ nữa. Dẫu vẫn muốn tiếp tục làm may vì có chuyên môn và kinh nghiệm nhưng do đã nhiều tuổi nên nhiều nơi không muốn nhận…” - anh D. cho hay.
Một năm sống khổ, lấy tiền đâu mà về quê ăn Tết?
Ngay khi lịch nghỉ Tết nguyên đán được công bố, nhiều lao động xa quê đã nhanh chóng lên kế hoạch mua vé tàu xe, sắm sửa Tết. Đó là cảnh tượng nhộn nhịp của mọi năm. Năm 2020, hẳn nhiều công nhân thu nhập thấp lo âu, buồn rầu vì khó chi.
“Tôi thường mua vé xe giường nằm từ đầu tháng 12 âm. Vé xe giá Tết cho 3 người gần 2 triệu/ 1 chiều. Ấy là chưa kể quà Tết, tiền mua sắm áo quần mới, đồ đạc và chi trả các khoản trước khi về quê nữa… vị chi cũng tốn gần 10 triệu đồng chỉ trong vỏn vẹn vài ngày trước khi lên xe về quê.”

Đó cũng là tình cảnh chung của rất nhiều lao động xa quê khác vì bị giảm việc, giảm thu nhập, mất việc làm vì Covid-19 suốt nhiều tháng qua.
Thật ra, chuyện đắn đo có về quê dịp Tết không khi thu nhập bình thường không quá cao trong khi mọi chi phí thời điểm này đều quá đắt đỏ (cao gấp 2,3 lần giá ngày thường) – đồng thời, ai cũng có thể mua vé rẻ về thăm nhà ở những đợt nghỉ khác trong năm… Năm 2020 kết thúc lại càng chật vật hơn. Người mất việc làm trước đó thì rõ ràng rồi, mọi thu nhập đành dựa vào các khoản trợ cấp và công việc mới bắt đầu không lâu. Người đang đi làm bình thường nhưng bị giảm lương cũng buồn rầu không kém. Công ty làm ăn cầm chừng, doanh thu kém thì lấy đâu ra thưởng Tết, lương tháng 13, thưởng thâm niên… quà Tết có khi cũng chẳng có. Rồi không được đóng tiếp các khoản bảo hiểm - kéo dài thời điểm đủ điều kiện hưởng lương hưu, không có thẻ bảo hiểm y tế - gây khó khăn khi khám chữa bệnh… Bao nhiêu nỗi lo cứ thế chồng chất. Nhiều lao động dường như không còn tâm trí để “chạy Tết” như mọi năm.

Ai cũng muốn được quây quần bên gia đình ngày Tết cổ truyền nhưng vì hoàn cảnh, vì khó khăn đột nhiên xảy đến mà đành lỡ hẹn thêm một mùa xuân nữa xa nhau… Thôi thì, còn quê, còn nhà thì ngày nào cũng sẽ là Tết. Hẹn ngày đẹp để được gặp nhau! Chứ “Tết năm nay đói ăn, Tiền đâu mà về?”
-HT-