Những ngã rẽ phòng thân của công nhân nếu mất việc

10.08.2023 549 hongthuy95

Tuy chưa bị cắt giảm nhưng nhiều công nhân trẻ tìm hướng đi riêng hay dự trù sẵn nghề mới để chuyển sang ngay nếu chẳng may mất việc. Đây là tín hiệu tốt cho sự thích ứng nhanh và hợp lý trong giai đoạn khủng hoảng đơn hàng hiện tại. Tuy nhiên lại tiềm ẩn nguy cơ thiếu lao động lành nghề cho doanh nghiệp.

những ngã rẽ phòng thân của công nhân nếu mất việc

Vừa làm công nhân, vừa học thêm nghề

Đang làm công nhân tại công ty Giày nhưng hơn 1 năm nay, anh An đã tranh thủ buổi tối để đi học nghề làm tóc tại một salon gần chỗ trọ. Quê An ở Đồng Tháp, từ nhỏ anh đã rất thích hình ảnh người thợ cầm kéo cắt tỉa tạo mẫu tóc cho khách nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên học hết cấp 3, An chọn lên Sài Gòn xin làm công nhân kiếm tiền phụ ba mẹ.

Biết hoàn cảnh của An, cũng nhìn ra đam mê và năng khiếu của anh nên chủ tiệm quyết định dạy nghề miễn phí. Ông cũng tạo điều kiện thuận lợi về thời gian để An có thể vừa đi làm công nhân ban ngày, đêm về vẫn học được nghề. Chưa hết, nếu tay nghề ổn, muốn ở lại làm ông chủ sẽ nhận và trả lương ngay, không cần thử việc.

“Tôi biết ơn anh Hoàng (chủ tiệm tóc) lắm. Giờ tôi đã có thể tự tin cắt tóc nam và đang chuyển sang học làm tóc nữ (cắt, uốn, duỗi, tạo mẫu các kiểu). Những giờ nghỉ giữa ca hay sau giờ làm mà đồng nghiệp hay bạn bè ở khu trọ có nhu cầu, tôi đều sẵn lòng cắt tóc cho họ, phần để luyện tay nghề, phần kiếm thêm thu nhập. Sau này, khi thạo nghề rồi, tôi sẽ đến tiệm anh Hoàng làm việc luôn và xa hơn, nếu có điều kiện thì về quê mở tiệm kiếm sống.” - anh An hạnh phúc chia sẻ.

Cũng nơm nớp nỗi lo bị cắt giảm do mấy tháng nay công ty ít việc, đang cho công nhân giảm giờ làm, nghỉ t7, cn hàng tuần, chị Lan tuy đã có thâm niên hơn 8 năm làm việc tại công ty may X nhưng đang tranh thủ thời gian nghỉ cuối tuần để học lấy bằng trung cấp kế toán. Chị bảo mong muốn của chị là học kiếm cái nghề để chuyển sang bộ phận văn phòng cho ổn định, lại phù hợp với nữ giới có gia đình, chồng con. Tuy nhiên, với thu nhập chỉ 7-8 triệu/tháng trong khi khoản học phí lên đến 6-7 triệu/khóa, chưa kể chi tiêu sinh hoạt và những khoản phải chi khác thực sự quá áp lực, rồi vừa đi làm vừa đi học tốn rất nhiều thời gian và sức khỏe; thế nhưng, chị vẫn đang cố gắng hết sức mình, vì tương lai không phải lo nay làm, mai nghỉ việc nữa. “Khó khăn thì luôn tồn tại và phát sinh mới mỗi ngày nhưng tôi sẽ luôn luôn nỗ lực hết sức để đối mặt và vuọt qua, có như vậy mới không sợ bị thụt lùi, chay ì và mất việc.”

Cũng chọn học thêm nghề khác phòng thân như anh An hay chị Lan, chị Nguyên (quê Long An) cũng ngày làm công nhân, tối đăng ký học thêm nghề spa. Chị cho hay công việc tại công ty hiện tại vẫn ổn định song gần đây ít tăng ca nên cũng lo sợ sẽ gặp cảnh cắt giảm như nhiều công ty khác. Vì thế, chị quyết định học thêm cái nghề để nếu không làm công nhân nữa thì cũng còn công việc khác để kiếm sống ngay. Mà nghề spa nghe đâu đang hot và nhiều việc, có thể làm cho tiệm hoặc chạy ngoài linh hoạt thời gian.

“Đều đặn mỗi tối, cứ tan ca là tôi ghé chợ mua thức ăn về lo cơm nước cho chồng con xong rồi chạy đến cơ sở làm đẹp gần trọ để học nghề. Thông cảm với hoàn cảnh của tôi nên chị chủ giảm 30% học phí, tốt hơn nữa là cho trả góp 3 đợt. Sau 2 tháng học và thực hành, đến nay tôi đã có thể vẽ được bộ móng cơ bản, massage đơn giản cho chồng và chị em khu trọ, được mọi người bảo “ok lắm” nên rất kỳ vọng sẽ làm nghề trong tương lai.”

những ngã rẽ phòng thân của công nhân nếu mất việc

Nhiều công nhân có công việc bấp bênh, cuộc sống không đủ đầy...

Chọn hướng đi riêng để ổn định

Không chọn học thêm nghề như những anh, chị công nhân trên, anh Đức cùng vợ đã sang lại một quán cà phê nho nhỏ ngay gần nơi 2 vợ chồng đang làm để mở quán kinh doanh, vừa giúp kiếm thêm thu nhập, lại đảm bảo việc làm trước làn sóng khủng hoảng đơn hàng, thu hẹp quy mô sản xuất dẫn đến phải cắt giảm nhân sự của nhiều công ty như hiện nay.

Theo đó, quán ban đầu chỉ mở sáng sớm trước giờ vô làm và chiều đến tối sau giờ tan ca để tận dụng nhu cầu nghỉ ngơi, tám chuyện xả stress của đa số công nhân. Quán gần chỗ làm nên rất tiện, anh em công nhân cả quen vì làm chung chỗ lẫn mới, lạ có đủ. Mỗi ngày kiếm được đâu đó tầm 3-4 trăm nghìn tiền lời sau khi đã trừ ra các khoản vốn như nguyên liệu, máy móc, bàn ghế, nhân công, điện, nước… “Uống cà phê không chưa đủ, nhiều người còn có nhu cầu ăn sáng, uống thêm nước giải khát, rồi ăn trưa, ăn vặt, nhậu nhẹ sau giờ làm…Vì thế, tôi bàn với vợ tính ra 1 người nghỉ làm để mở quán cả ngày nhằm kiếm thêm. Vợ đồng ý nghỉ, chỉ thuê thêm 1 nhân viên phụ việc. Tôi thì sáng dậy sớm phụ dọn quán xong đi làm, chiều về phụ tiếp. Vợ chồng, con cái cũng ở lại luôn tại quán nên tiết kiệm thêm được tiền thuê trọ. Mỗi tháng, trừ lương nhân viên, tiền thuê mặt bằng và một số khoản chi lặt vặt khác thì vợ chồng tôi cũng dư ra được một ít. Quan trọng hơn nữa là giờ không phải thấp thỏm sáng chiều lo bị cắt giảm, mất việc như trước.”

Cũng chọn kinh doanh khởi nghiệp như vợ chồng anh Đức, thế nhưng chị Liên lại chọn lên làm chủ bằng cách mở xưởng may tư nhân tại gia. Với thâm niên làm công nhân may 15 năm, nay đã 39 tuổi và được công ty khuyến khích ngưng hợp đồng nhiều lần, chị Liên đồng ý nghỉ. Nhờ có sẵn nhà ở nên chị tận dụng khoảng sân rộng phía trước để che chắn, lắp thêm quạt, điện rồi mua máy móc, cùng nhiều đồ dùng, vật dụng khác để mở xưởng. “Nhiều chị em ở độ tuổi xấp xỉ tôi dễ rơi vào danh sách cắt giảm của công ty, thế là tôi hẹn nếu thật vậy thì về nhà làm cùng mình. Hiểu tính nhau, cộng thêm làm ngoài tự do và thoải mái hơn chứ không áp lực nhiều như làm xưởng nên mọi người rủ nhau về làm và kiếm tiền. Lương tuy không cao bằng khi làm ở công ty nhưng bù lại công việc ổn, tinh thần vui vẻ. Hiện tại, xưởng cũng nhận dạy nghề và nhận học viên vào làm việc luôn ngay sau đào tạo nếu có nhu cầu.”

những ngã rẽ phòng thân của công nhân nếu mất việc

Không ít công nhân sau thời gian dài làm thuê đã về nhà mở xưởng làm chủ
 

Rõ ràng, đa số công nhân hiện nay luôn trong trạng thái lo sợ sẽ bị mất việc. Chính điều này đã thôi thúc nhiều người mạnh mẽ rẽ hướng, linh hoạt thích ứng và tìm cách xoay xở để tự “cứu” mình, chuẩn bị sẵn phương án dự phòng để áp dụng ngay khi gặp biến cố, thay vì loay hoay mãi không tìm được việc mới rồi stress, bất lực, chán nản…

​_Thy.

4.0 (840 đánh giá)
Những ngã rẽ phòng thân của công nhân nếu mất việc Những ngã rẽ phòng thân của công nhân nếu mất việc

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bài học đắt giá về An toàn lao động từ vụ 7 công nhân nhà máy tử nạn trong máy nghiền

Bài học đắt giá về An toàn lao động từ vụ 7 công nhân nhà máy tử nạn trong...

Nhiều người vẫn còn ám ảnh và bàng hoàng sau khi xem qua clip máy nghiền xi măng chuyển động và gây thương vong cho 10 công nhân của một nhà máy sản x...

24.04.2024 171

Ngành công nghệ ô tô: Học khối gì? Trường nào? Cơ hội nghề nghiệp?

Ngành công nghệ ô tô: Học khối gì? Trường nào? Cơ hội nghề nghiệp?

Đối mặt với sự đổi mới liên tục trong công nghệ và sự gia tăng không ngừng về nhu cầu ô tô thông minh và bền vững, nguồn nhân lực trong ngành này đang...

12.04.2024 318

Công nhân được nghỉ lễ 30/4 - 1/5 bao nhiêu ngày và tâm tư ra sao?

Công nhân được nghỉ lễ 30/4 - 1/5 bao nhiêu ngày và tâm tư ra sao?

30/4 - 1/5 là 1 trong 3 dịp lễ dài ngày có thể có trong năm. Thế nên, nhiều lao động cực kỳ quan tâm đến lịch nghỉ lễ dịp này để lên kế hoạch làm việc...

10.04.2024 365

Ăn - Ngủ - Đi làm: Vòng xoay nhàm chán của những công nhân nặng mối lo

Ăn - Ngủ - Đi làm: Vòng xoay nhàm chán của những công nhân nặng mối lo

Khi được hỏi 1 ngày của anh trôi qua thế nào, anh Thanh, công nhân giày da cho hay chỉ quẩn quanh 3 chuyện: ăn - ngủ - đi làm. “Một phần vì mệt, phần...

09.04.2024 213